Trong bối cảnh môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt và nhiều yếu tố bất định như hiện nay, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo (Innovation) là một yêu cầu then chốt để duy trì và tạo vị thế cạnh tranh nhằm giữ được sự ổn định và đạt được sự tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp.
Mục tiêu của bài viết nêu lại khái niệm đổi mới sáng tạo và đề xuất các biện pháp, kiến nghị chính sách, nhằm nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp cho tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Đổi mới (Innovation): có nhiều cách hiểu và định nghĩa khác nhau về đổi mới. Hiểu một cách chung nhất, đổi mới là một thuật ngữ dùng để chỉ trạng thái “một sự vật, hiện tượng mới có giá trị tốt hơn và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các chủ thể trong nền kinh tế – xã hội được tạo ra từ những ý tưởng, sáng kiến hoặc giải pháp mới”.

Trong một quốc gia, hoạt động đổi mới thường khởi đầu từ doanh nghiệp và do doanh nghiệp thực hiện. Ở cấp độ doanh nghiệp, định nghĩa về đổi mới sáng tạo như sau:

Theo hướng dẫn OECD Oslo Manual (2005) định nghĩa: Một đổi mới sáng tạo là việc thực hiện/ hoàn thành một sản phẩm (hàng hóa hay dịch vụ) hay một quy trình mới hoặc được cải tiến đáng kể, một phương pháp tiếp thị mới, hoặc một phương pháp tổ chức và quản lý mới trong hoạt động thực tiễn kinh doanh, tổ chức sản xuất hoặc quan hệ đối ngoại.

Theo Katz (2007), Đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, phát triển và triển khai áp dụng thành công các ý tưởng mới và độc đáo bao gồm đưa ra các sản phẩm, quá trình và chiến lược phát triển mới cho công ty dẫn đến thành công trong kinh doanh và giành được vị trí dẫn đầu thị trường, tạo ra giá trị cho các chủ thể liên quan, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống.

Theo Ngo và O’Cass (2009), ĐMST là một quá trình mang tính hệ thống áp dụng những kiến thức, kỹ năng và các nguồn lực của công ty vào việc thực hiện các hoạt động đổi mới để tạo ra những đổi mới về kỹ thuật (đổi mới về sản phẩm, dịch vụ và quy trình hoạt động) và những đổi mới phi kỹ thuật (đổi mới về quản lý, thị trường, marketing).

Theo luật Khoa học và Công nghệ 2013, Điều 3, khoản 16: Đổi mới sáng tạo (Innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.

Phân biệt đổi mới sáng tạo (Innovation) và sáng chế (Invention): Sáng chế là giải pháp kỹ thuật mới dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Sáng chế mang tính cá nhân, là kết quả của quá trình hoạt động sáng tạo, được triển khai thông qua các kỹ năng và năng lực của các doanh nhân.

Như vậy, khác với sáng chế, đổi mới mang tính tập thể, xuất phát từ nỗ lực chung của nhiều cá nhân và được triển khai thông qua mạng lưới xã hội. Đổi mới là khái niệm bao trùm hơn sáng chế ở chỗ đổi mới là sự thương mại hóa thành công các sáng chế trên thị trường và mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nói một cách khác, ĐMST là một quá trình biến các ý tưởng sáng tạo thành các sản phẩm dịch vụ mới sản xuất đại trà và thương mại hóa thành công các sản phẩm dịch vụ đó, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.

– Phân loại đổi mới sáng tạo

Đổi mới sáng tạo được phân thành 4 loại:

Đổi mới sáng tạo sản phẩm là việc phát minh ra sản phẩm mới hoặc sản phẩm có những cải tiến đáng kể về tính năng hoạt động hoặc mục đích sử dụng như cải tiến về tiêu chuẩn kỹ thuật, linh kiện, vật liệu, phần mềm, sự thân thiện với môi trường và người sử dụng…

Đổi mới sáng tạo quy trình bao gồm những thay đổi căn bản trong cách thức sản xuất, máy móc thiết bị hoặc phần mềm. Đổi mới quy trình có thể được tiến hành nhằm cắt giảm chi phí sản xuất hoặc phân phối, nâng cao chất lượng, hoặc để tạo ra và/ hoặc cung ứng sản phẩm mới hoặc cải tiến.

Đổi mới sáng tạo marketing được thực hiện khi các chủ thể áp dụng các phương pháp marketing mới tạo ra những thay đổi trong thiết kế mẫu mã, phân phối, khuyếch trương và định giá sản phẩm nhằm xác định nhu cầu khách hàng tốt hơn, tìm kiếm thị trường mới, hoặc định vị mới cho sản phẩm nhằm tăng doanh thu.

Đổi mới sáng tạo tổ chức là việc áp dụng các phương pháp tổ chức, quản lý mới trong thực hiện các hoạt động của công ty nhằm làm tăng hiệu quả kinh doanh trên cơ sở cắt giảm chi phí giao dịch và chi phí hành chính, cải thiện các mối quan hệ với bên ngoài để nâng cao kiến thức, tăng năng suất lao động từ đó nâng cao hiệu quả công việc.   

Thực tiễn hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Nghệ An trong những năm qua (từ năm 2015 đến nay) đã đạt được nhiều kết quả rất rõ nét. Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, trong thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã triển khai hàng loạt các hoạt động để khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khởi nghiệp và không ngừng đổi mới sáng tạo. Vừa qua, thông tin Startup Gostream của Nghệ An đạt giải quán quân Techfest Việt Nam 2020 và đại diện Việt Nam tham gia Startup World khiến cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp và giới khoa học – công nghệ (KH-CN) hết sức vui mừng và tự hào. Đó là thành quả nỗ lực của các cá nhân, đơn vị, và những cơ quan như Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, Quỹ khởi nghiệp VSV Nghệ An Ventures, mạng lưới hỗ trợ của Vietnamstartupecosystem và các đơn vị khác đã đồng hành hỗ trợ tạo ra nhiều chương trình cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Kết quả cũng đồng thời là minh chứng cho làn gió khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đã lan tỏa rộng tại tỉnh Nghệ An từ nhiều năm qua.

Cho đến nay, Nghệ An đã hỗ trợ các Startup kêu gọi và kết nối thành công với các tổ chức hỗ trợ, nhà đầu tư và quỹ đầu tư trên cả nước và có mạng lưới liên kết nguồn lực quốc tế. Tỉnh đã có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo làm thủ tục về giấy phép kinh doanh, giấy đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký nhãn mác, bao bì cho sản phẩm, hỗ trợ kiểm nghiệm chất lượng và cấp mã vạch cho các tổ hợp tác, hộ sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các tổ hợp tác, hộ kinh doanh, tổ chức các lớp tham quan, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm.

Hàng loạt các chính sách, điều kiện thuận lợi cho môi trường đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp được tỉnh hình thành và thúc đẩy thường xuyên trong thời quan qua. Việc hình thành không gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới 16 KHXH&NV NGHỆ AN – SỐ 5/2021sáng tạo Nghệ An chính là cơ sở, nền tảng cung cấp địa chỉ tin cậy giúp gia tăng cơ hội thành công cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua việc cung cấp các dịch vụ tư vấn và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ nền tảng ban đầu khác; làm đầu mối kết nối các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp; giúp các doanh nghiệp/ nhóm khởi nghiệp hoàn thiện ý tưởng, nâng cao năng lực, tìm kiếm nhà đầu tư, đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Nghệ An và các địa phương lân cận. Các khóa đào tạo về nâng cao kỹ năng xây dựng, hoàn thiện mô hình kinh doanh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các startup Nghệ An được Sở KH&CN phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên mở ra để cung cấp cho các bạn trẻ những nền tảng quan trọng trong quá trình khởi nghiệp. Những cuộc thi về KH&CN dành cho thanh, thiếu niên tạo nên “làn gió mới” cho những bạn trẻ ham học hỏi, sáng tạo.

Ban tổ chức Chương trình Techfest Nghệ An mở rộng và Khát vọng sông Lam 2021

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 16 – HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã thông qua Nghị quyết Quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025. Theo đó, Nghị quyết này quy định nội dung và mức chi từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 để triển khai thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Ngoài ra tỉnh cũng cần liên kết mạnh mẽ hơn nữa với những đề án như 1665 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp”, hay Đề án Chuyển đổi số Quốc gia, đề án về công nghiệp văn hoá… cũng cần được tiếp nhận và phát triển mạnh KHXH&NV NGHỆ AN – SỐ 5/2021 17 Ban tổ chức Chương trình Techfest Nghệ An mở rộng và Khát vọng sông Lam 2021mẽ hơn để đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo.

Mục tiêu của tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là ngày càng có nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và sáng tạo công nghệ được ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh và đời sống, góp phần tăng năng suất lao động, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội của các hoạt động trên các lĩnh vực. Vì thế, những chính sách khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh cộng với sự hưởng ứng, lan tỏa của cộng đồng doanh nhân, người trẻ và người dân sẽ góp phần tạo động lực quan trọng để địa phương phát triển bền vững trong thời gian tới.

Trong chính sách phát triển doanh nghiệp hiện nay, chúng ta đã và đang từng bước đưa KH&CN và ĐMST vào doanh nghiệp và tập trung cho nghiên cứu KH&CN và ĐMST tại doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển một cách bền vững và đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Đây cũng là một trong các yếu tố đem đến sự xoay chuyển tỉ lệ đầu tư cho KH&CN trong thời gian qua, tức là trước đây đầu tư cho KH&CN từ ngân sách Nhà nước khoảng 70% và từ huy động nguồn, xã hội hóa là 30%, thì nay thay đổi là 52% và 48%.

Tỉnh tiếp tục tập trung đổi mới cơ chế, chính sách thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính và các hành vi ứng xử với doanh nghiệp, góp phần tạo động lực, đam mê, hứng khởi cho tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, tập trung đầu tư vào chất lượng sống, kinh tế xanh, phát triển bền vững, nâng cao nhận thức của người dân trong quá trình tạo ra trải nghiệm khách hàng khi đến với địa phương, nhất là trong lĩnh vực du lịch, phát triển các khu vực nông thôn thông qua các chương trình công nghệ thông minh, nông nghiệp tiên tiến, nghiên cứu phát triển giống cây trồng trên cơ sở nông nghiệp hữu cơ… Tỉnh tập trung đẩy nhanh số hóa các lĩnh vực, ngành công nghiệp; chuyển đổi số nền kinh tế – xã hội và cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ nhất, cần tập trung xây dựng và triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển KH&CN và ĐMST giai đoạn 2021 – 2030, và những phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021 – 2025. Cùng với đó, tập trung thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương về phát triển KH&CN và thực hiện các chương trình hành động của Chính phủ để tận dụng nguồn lực quốc gia trong việc phát triển địa phương.

Thứ hai, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp hình thành và phát triển các quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp để thúc đẩy mạnh việc đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ; thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển, viện nghiên cứu, doanh nghiệp KH&CN và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, vận hành Quỹ phát triển KH – CN tại doanh nghiệp theo hướng thông thoáng nhất.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, cơ chế tài chính trong hoạt động nghiên cứu KH&CN, để việc quản lý các nhiệm vụ KH&CN phải thật đơn giản, thông thoáng, nhanh gọn, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ tư, đổi mới mạnh mẽ cơ chế tổ chức và hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập. Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN; triển khai hiệu quả chính sách thu hút, sử dụng nhân lực KH&CN chất lượng cao, huy động được nguồn lực về nhân lực KH&CN trong nước và ngoài nước nhất là nhân lực có trình độ cao. Đồng thời, phát huy và thực hiện tốt việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của quốc gia và thúc đẩy sự liên kết, hợp tác giữa trường đại học, viện nghiên cứu và khu vực doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thứ năm, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Đây là một vấn đề quan trọng và cần phải có chiến lược phù hợp, lâu dài. Các viện nghiên cứu, trường đại học cần chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp. Ngược lại, các doanh nghiệp đặt hàng các vấn đề cần nghiên cứu để nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu thực hiện. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy chính doanh nghiệp hiện nay cũng đang hình thành trung tâm hoặc viện nghiên cứu và trích thu nhập của mình để hình thành quỹ phát triển KH&CN nhằm tạo nguồn tài chính chủ động đầu tư cho hoạt động KH&CN, giúp đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Thứ sáu, tăng cường hội tụ các nguồn lực về với địa phương, tổ chức các chương trình giúp các doanh nghiệp địa phương tiếp cận các nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực, thúc đẩy đưa sản phẩm ra thị trường, thu hút đầu tư và mở rộng quy mô doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Như sắp tới đây, chương trình Techfest Nghệ An mở rộng cũng tăng quy mô, huy động tối đa các nguồn lực tổ chức để nâng cao tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển Nghệ An trở thành một trong những trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của cả nước.

Bài viết gửi chuyên san KHXH&NV Nghệ An Số 5/2021.


Tác giả Nguyễn Thy Nga hiện đang đảm đương nhiều công việc ở 3 mảng khác nhau:

– Về thu hút đầu tư và hỗ trợ startup, chị là Tổng giám đốc tập đoàn đầu tư và quản lý V–startup, sáng lập mạng lưới chuyên gia Vietnam Startup Ecosystem, hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chiến lược phát triển mô hình.

– Về các công việc hỗ trợ Chính phủ, chị Thy Nga đang làm cố vấn chiến lược phát triển thị trường cho doanh nghiệp trong đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia, truyền thông chương trình Quốc gia số, và chủ trì đề án Từ chính sách ra Cuộc sống.

– Với lĩnh vực bản thân tâm huyết: chị Thy Nga tiếp tục cố vấn chiến lược cho các đề án chính sách, phát triển hình ảnh lãnh đạo. Xây dựng và sản xuất truyền thông, điều phối các toạ đàm chuyên môn và tổ chức các chương trình nghiên cứu khoa học Quốc gia.

 
THYNGA-06-06

Tài liệu tham khảo

  1. “Kết quả điều tra đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2014 – 2016”, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ.
  2. OECD Oslo Manual (2005).
  3. Đổi mới sáng tạo và năng suất, chất lượng trong doanh nghiệp năm 2020, Nhà xuất bản Lao động – xã hội.
  4. Phát triển Nghệ An từ tầm nhìn đến vị thế 2020.

Bản quyền thuộc về © nguyenthynga.com