Đề án Quốc gia “Từ chính sách ra cuộc sống” bao gồm nhiều hoạt động sự kiện, đối thoại, nghiên cứu khảo sát chiến lược chính sách, kiến nghị chính sách và chuỗi chương trình đối thoại độc quyền với các chính trị gia, chuyên gia, doanh nhân nổi bật. Trong cuộc đối thoại này, Chuyên gia Chính sách và Đổi mới sáng tạo Nguyễn Thy Nga, Chủ nhiệm Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống trao đổi với ông Bùi Đình Long, Phó chủ tịch UBND Tỉnh Nghệ An về Nguồn lực và động lực cho phát triển Kinh tế xã hội bối cảnh COVID – 19, thực trạng và định hướng của Nghệ An.

Chuyên gia Nguyễn Thy Nga và Ông Bùi Đình Long đối thoại chính sách về Nguồn lực và động lực cho phát triển Kinh tế xã hội hậu COVID - 19

Chuyên gia Thy Nga: Trong thời gian vừa qua, với bối cảnh COVID – 19 cũng như là những biến động, thay đổi của chính trị, kinh tế thế giới, ông có thể đánh giá những tác động đấy đến địa phương của mình, và trong giai đoạn sắp tới, Nghệ An sẽ có những giải pháp gì để bứt phá cũng như huy động được nhiều nguồn lực hơn ạ?
Ông Bùi Đình Long: Đại dịch COVID – 19 ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến thế giới cũng như tại Việt Nam, thì Nghệ An cũng không nằm ngoài ảnh hưởng đấy, có thể nói rằng ảnh hưởng rất sâu sắc đến tất cả mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của tỉnh. Riêng về dịch bệnh đến thời điểm này là trong đợt dịch thứ tư, đã có hàng trăm nghìn người mắc, hơn 150 người tử vong, và hơn 1150 doanh nghiệp tạm dừng, đóng cửa, nhiều doanh nghiệp không hoạt động. Đặc biệt nhất Nghệ An với hơn 3.4 triệu dân số, con em Nghệ An đi làm ở khắp nơi. Trong đại dịch vừa qua, đã có hơn 125.000 lao động của địa phương trở về từ các vùng dịch.

Trước tình hình đó, tỉnh cũng đã xác định là song song với công tác phòng chống dịch thì phải có phục hồi phát triển kinh tế. Về công tác phòng chống dịch, có thể khẳng định là trong thời gian rất ngắn, thực hiện những chỉ đạo của Trung Ương, của Chính phủ, tỉnh Nghệ An đã triển khai rất đầy đủ và kịp thời. Cho nên dịch bệnh ở Nghệ An, mặc dù số lượng đông, tuy nhiên theo như đánh giá thì chúng tôi cũng đã triển khai tốt công tác phòng chống dịch. Tỷ lệ tử vong là một trong những tỉnh chiếm tỷ lệ thấp nhất. Và song song đó kinh tế có bước phát triển. Dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, nhưng nổi lên đấy lĩnh vực nông nghiệp phát triển nông thôn thì lại trở thành bà đỡ. Chính vì thế cho nên tăng trưởng kinh tế của tỉnh cũng đã đạt 6%, nằm trong nhóm 20 tỉnh thành cao nhất của cả nước.
Thu ngân sách thì chúng tôi cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay là gần 19.000 tỷ. Cái cơ bản nhất là đời sống hoạt động văn hóa xã hội đều được duy trì, tất cả những hoạt động kỷ niệm, những ngày lễ như 990 năm danh xưng Nghệ An, 120 năm ngày sinh của Bác, 60 năm ngày Bác về thăm quê lần hai đều được tổ chức và để lại dấu ấn rất đậm nét trong các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính Phủ và nhân dân.

Và một cái quan trọng nữa là an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được ổn định, đảm bảo được đời sống cho nhân dân, đặc biệt là những đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch COVID – 19. Đạt được kết quả đó thì chúng tôi cũng xác định là có một số bài học kinh nghiệm, đặc biệt nhất là sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân đối với lãnh đạo. Cái thứ hai nữa quan trọng trong công tác phòng chống dịch đó là sự tham gia của người dân.
Trong thời gian sắp tới, chúng tôi cũng đã có những kế hoạch để đáp ứng yêu cầu thích ứng, đặc biệt thực hiện nghị định 128 của Chính phủ. Thứ nhất, trong công tác chỉ đạo, tiếp tục quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước, và Nghệ An xây dựng chiến lược phát triển kinh tế trong năm 2022 cũng như chiến lược dài hạn cho năm 2025. Trong điều kiện dịch bệnh vẫn diễn ra, song song xây dựng điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, để từ đó có những chiến lược, những kế hoạch cụ thể gắn với thực tiễn tại địa phương. Trong một số lĩnh vực đặc biệt, thế mạnh của tỉnh, chúng tôi tiếp tục có những chính sách, đặc biệt nhất là trong thời gian gần đây, được Quốc hội phê duyệt Nghị quyết đặc thù cho tỉnh, đây là một cơ hội rất tốt để tỉnh phát triển kinh tế và có những đột phá trong giai đoạn 2022- 2030.

Để đạt được điều đó thì chúng tôi đang xây dựng kế hoạch chi tiết cụ thể lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội, nông nghiệp rồi tất cả các lĩnh vực dịch vụ, nhưng riêng một số lĩnh vực chính phủ đang triển khai như thương mại dịch vụ thì cũng được xác định là một trong những ngành trọng điểm của tỉnh. Về du lịch thì đến thời điểm này chúng tôi cũng đã có những cái thực hiện thích ứng, mở cửa toàn diện, sẵn sàng thu hút, tiếp đón tất cả các đoàn khách trong và ngoài nước. Trong thời gian gần đây, tỉnh cũng đã tổ chức các cuộc hội thảo, các tour tuyến và công tác kiểm tra giám sát để khi du khách về đáp ứng ngay được yêu cầu.
Cũng rất mong muốn rằng với sự nỗ lực của tỉnh thì khắc phục ảnh hưởng của đại dịch COVID – 19 đạt được mục tiêu đề ra, khắc phục được những khó khăn, tồn tại và đưa Nghệ An phát triển.

Chuyên gia Nguyễn Thy Nga: Vâng trong những điểm tạo nên nguồn lực và động cho sự phát triển đột phá của các địa phương thì có thể kể đến tác động đến từ liên kết vùng. Vậy thì từ liên kết vùng của Nghệ An với các điểm lân cận có điểm gì nổi trội và Nghệ An định hướng như thế nào trong thời gian tới để phát triển mạnh mẽ liên kết vùng?

Ông Bùi Đình Long: Trong thời gian sắp tới, Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, cũng như tất cả các hoạt động để làm sao liên kết vùng đạt được mục tiêu quan trọng nhất. Và chúng tôi cũng khẳng định rõ ràng rằng để phát triển tỉnh không thể không có sự liên kết. Cho nên các bài học của Quảng Ninh sẽ được áp dụng cho cả liên kết vùng của chúng tôi trong thời gian sắp tới, trong đó tập trung một số lĩnh vực là phát triển công nghiệp, phát triển về nguồn lực, phát triển về đào tạo. Tức là phải toàn diện trên tất cả lĩnh vực để đạt được hiệu quả.
Chuyên gia Nguyễn Thy Nga: Nghệ An cũng sẽ cùng chúng tôi phối hợp thiết kế các hoạt động từ Chính sách ra Cuộc sống?

Ban cố vấn Khát vọng Sông Lam – Vì một Việt Nam Hùng Cường

Ông Bùi Đình Long: Rất cảm ơn đồng chí. Chúng tôi sẵn sàng. Ví dụ bây giờ tổ chức một cuộc hội thảo riêng tại Nghệ An, tổ chức một hội thảo về chính sách đất đai chẳng hạn, tạo nguồn lực động lực cho sự phát triển, tôi cho rằng chỉ một chủ đề đấy thôi đã ra được rất nhiều vấn đề. Hoặc là chính sách về tiền lương, chính sách về làm thêm giờ, rất nhiều vấn đề là chúng tôi sẵn sàng. Chúng tôi mong muốn rằng có những chính sách mới đồng bộ hơn, cụ thể hơn, thực tiễn hơn và sát thực hơn để làm sao đó trở thành động lực phát triển thực sự.
Chuyên gia Nguyễn Thy Nga: Xin chân thành cảm ơn ông! Chúng tôi luôn mong muốn tăng cường hội tụ các nguồn lực về với các địa phương.

Đại dịch COVID-19 là cú sốc lớn, tác động nhiều mặt đối với đời sống kinh tế – xã hội mọi quốc gia trên thế giới. Sau những thành công trong ứng phó với bốn đợt bùng phát dịch bệnh, Việt Nam đã chuyển sang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Sự chuyển hướng đó đòi hỏi phải làm tốt cả việc phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả, cần khơi thông, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, động lực có thể bị cản trở bởi các nút thắt thể chế, có thể bị ngưng trệ do chính hậu quả dịch COVID-19.
Cuộc trao đổi chuyên sâu trong chuỗi “Chương trình đối thoại chính sách” của Chuyên gia Nguyễn Thy Nga – chủ nhiệm Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phói hợp Văn phòng Chính phủ, Hội đồng lý luận Trung ương về Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

NGUYỄN THY NGA

Chủ trì đề án “Từ Chính sách ra cuộc sống”. Chủ nhiệm nhiệm vụ phát triển thị trường cho doanh nghiệp theo Quyết định 844 của Thủ tướng. Chủ trì truyền thông cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025.

Bản quyền thuộc về © tuchinhsachracuocsong.vn